Trên các thị trường tài chính như chứng khoán, forex hay tiền điện tử, bên cạnh những chiến lược giao dịch thì kỹ năng quản lý vốn, quản trị rủi ro cũng là yếu tố góp phần tạo nên sự thành công cho nhà đầu tư. Nếu các phương pháp như công thức Kelly, hay quy tắc 2% của những trader chuyên nghiệp là các chiến lược quản lý vốn, quản trị rủi ro đã quá quen thuộc với trader trên thị trường forex thì chiến thuật DCA có lẽ còn hơi xa lạ. Đây cũng là một phương pháp đầu tư đặc biệt, giúp giảm thiểu rủi ro cho nguồn vốn nhờ giảm tác động từ những đợt biến động giá mạnh. Tuy nhiên, chiến thuật DCA chỉ thường được sử dụng trên thị trường chứng khoán hoặc tiền điện tử vì nó phù hợp hơn với tính chất của các loại thị trường này.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về chiến thuật DCA, về cách thực hiện và ưu, nhược điểm của chiến thuật này.

DCA là gì?
DCA là viết tắt của Dollar Cost Averaging, dịch nghĩa đầy đủ là chiến thuật bình quân giá chi phí dollar hay chiến thuật bình quân hóa chi phí đầu tư. Tuy nhiên, trên thị trường, các trader gọi nó với cái tên ngắn gọn hơn, đó là chiến thuật trung bình giá hay bình quân giá.
Trong chiến thuật này, thay vì đầu tư tất cả số vốn đang có vào một thời điểm nhất định thì nhà đầu tư sẽ chia nhỏ số vốn đó ra thành nhiều phần khác nhau, có thể bằng nhau hoặc chênh lệch không quá lớn rồi đầu tư vào tài sản theo định kỳ (ở những thời điểm đã xác định trước) mà không phụ thuộc vào giá của tài sản sẽ tăng hay giảm ở những thời điểm đó.
Khi thị trường đi lên (bull market), với số vốn cố định cho từng thời kỳ, nhà đầu tư sẽ mua được ít tài sản hơn với giá cao, ngược lại, khi thị trường đi xuống, (bear market), nhà đầu tư sẽ mua được nhiều tài sản hơn với giá thấp. Nhưng đến cuối cùng, mức giá mà nhà đầu tư mua được tính trên một đơn vị tài sản sẽ là mức giá trung bình, cao hơn giá thấp nhất, thấp hơn giá cao nhất trong suốt giai đoạn đầu tư. Nếu giá trung bình thấp hơn mức giá mà nhà đầu tư mua một lần sẽ giúp giảm thiểu rủi ro nếu sau đó thị trường đi xuống nhưng lợi nhuận sẽ không được tối đa hóa khi thị trường đi lên nếu giá trung bình cao hơn so với mức giá khi đầu tư toàn bộ số vốn chỉ với một lần mua duy nhất.
Chiến thuật DCA rất phù hợp với những nhà đầu tư mới, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc mua đáy, bán đỉnh và cũng phù hợp nhất với các nhà đầu tư chứng khoán hay tiền điện tử vì chiến thuật này sẽ hiệu quả và an toàn hơn với khả năng tận dụng lợi thế về tăng trưởng trong thời kỳ dài hạn. Và một sự thật là, chiến thuật này cũng không thể ngăn chặn tổn thất trong khi thị trường giảm giá liên tục, tuy nhiên, sự tổn thất có thể được giảm bớt so với việc đầu tư toàn bộ vào một lần nếu bạn vận dụng chiến lược một cách hợp lý và hiệu quả.
Cách thực hiện chiến thuật DCA như thế nào?
Để hình dung về cách thực hiện chiến thuật DCA, chúng ta sẽ lấy ví dụ về phương pháp này trên thị trường chứng khoán khi đầu tư vào cổ phiếu.

Giả sử các bạn là một nhà đầu tư mới, quan tâm đến cổ phiếu và có một số vốn nhàn rỗi sẵn sàng cho kênh đầu tư này là 1,000$. (Lấy đơn vị USD để rút gọn bớt chữ số). Một nguyên tắc “bất di bất dịch” cho thị trường này mà các bạn cần lưu ý chính là “không nên bỏ tất cả trứng vào cùng một rổ”, điều này đồng nghĩa với việc không nên đầu tư tất cả tiền vào một loại cổ phiếu nào đó, mà nên đa dạng hóa danh mục đầu tư. Với 1,000$, các bạn có thể chia thành 5 phần bằng nhau, đầu tư vào 5 loại cổ phiếu khác nhau, đảm bảo tính đa dạng hóa bằng cách lựa chọn các loại cổ phiếu khác nhau theo giá trị vốn hóa thị trường, theo lĩnh vực, ngành nghề, tốc độ tăng trưởng… và rất nhiều những yếu tố khác.
Với mỗi loại cổ phiếu có trong danh mục, bạn có 200$ vốn đầu tư. Chúng ta sẽ thực hiện chiến thuật DCA đối với từng loại cổ phiếu, giả sử với cổ phiếu ABC.
Với chiến thuật này, các bạn sẽ không dùng toàn bộ 200$ để mua cổ phiếu ABC vào cùng một thời điểm. Có nhiều người nói rằng, tôi sẽ dùng các phương pháp phân tích kỹ thuật để xác định thời điểm giá điều chỉnh giảm và mua vào với toàn bộ số vốn đang có, khi giá tăng, tôi sẽ thu về nhiều lợi nhuận hơn. Điều này hoàn toàn chính xác, nhưng các bạn đảm bảo được bao nhiêu phần trăm rằng mức giá mà bạn phân tích được đang là mức giá ở đáy hay không?
Giả sử với 200$ đó, bạn chia thành 4 đợt mua khác nhau, mỗi đợt bạn sẽ mua vào ngày đầu tiên của tháng với số tiền là 50$.
- Đợt 1: giá cổ phiếu ABC là 5$, bạn mua được 10 cổ phiếu
- Đợt 2: giá ABC là 7$, bạn mua được 7.14 cổ phiếu
- Đợt 3: giá ABC là 5.5$, bạn mua được 9.1 cổ phiếu
- Đợt 4: giá ABC là 6$, bạn mua được 8.33 cổ phiếu
Tổng số cổ phiếu ABC mà bạn mua được sau 4 tháng là 34.57 cổ phiếu. Giá cổ phiếu ACB trung bình mà bạn mua được là 5.79$. Giá hiện tại của cổ phiếu là 6$ thì giá trị của khoản đầu tư của bạn đang là 207.42$. Nếu giá cổ phiếu tiếp tục tăng, bạn sẽ có thêm lợi nhuận, ngược lại, nếu giá cổ phiếu giảm, bạn vẫn sẽ thua lỗ. Nếu không thực hiện chiến thuật bình quân giá DCA, bạn có thể sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận hơn hoặc thua lỗ sẽ cao hơn, phụ thuộc vào thời điểm mà bạn đầu tư và xu hướng giá ngay sau đó.
Chiến thuật DCA với các tình huống cụ thể về xu hướng của thị trường.
Dù cho bạn sử dụng chiến thuật đầu tư như thế nào thì việc dự đoán chính xác xu hướng thị trường sẽ quyết định nhiều hơn đến sự thành công của bạn.
Không sử dụng chiến thuật bình quân giá DCA
Cũng với ví dụ trên, nhưng các bạn sẽ không sử dụng chiến thuật DCA mà dùng toàn bộ số vốn 200$ để mua cổ phiếu ABC với mức giá 5$. Số cổ phiếu bạn mua được sẽ là 40 cổ phiếu.
Nếu ngay sau đó, thị trường đi xuống. Giả sử giá cổ phiếu biến động như bên dưới, khoản đầu tư của bạn sẽ lỗ như sau:
- Giá ABC là 4$, bạn lỗ 40$
- Giá ABC là 3$, bạn lỗ 80$
- Giá ABC là 2.5$, bạn lỗ 100$
Ngược lại, nếu thị trường đi lên, khoản đầu tư của bạn sẽ đạt được những mức lợi nhuận như sau:
- Giá ABC là 5.5$, bạn lời 20$
- Giá ABC là 6$, bạn lời 40$
- Giá ABC là 7$, bạn lời 80$
Sử dụng chiến thuật bình quân giá DCA
Tiếp theo, các bạn sẽ sử dụng chiến thuật bình quân giá DCA trong từng tình huống thị trường cụ thể.
- Tình huống 1: Sử dụng chiến thuật DCA trong thị trường giảm giá
Các bạn chia khoản đầu tư 200$ thành 4 đợt đầu tư bằng nhau và giả sử các mức giá bạn mua được lần lượt là 5$, 4.7$, 4.5$ và 3.5$. Tổng số cổ phiếu bạn mua được lúc này là 10 + 10.64 + 11.11 + 14.29 = 46.04 cổ phiếu, giá trung bình bạn mua được là 4.34$.
Kịch bản xảy ra tương tự, ngay sau đó, nếu thị trường tăng hoặc giảm, khoản đầu tư của bạn sẽ lãi/lỗ như sau:
Thị trường tăng | Lãi | Thị trường giảm | Lỗ |
4$ | -15.84$ | 2.5$ | 84.9$ |
5$ | 30.2$ | 1.5$ | 130.94$ |
6$ | 76.24$ | 1$ | 153.96$ |
Ở tình huống này, khi chiến thuật bình quân giá DCA được sử dụng trong thị trường giảm giá, với cùng số vốn đầu tư 200$, bạn sẽ mua được nhiều cổ phiếu hơn do mức giá trung bình mua được thấp hơn.
Chính vì thế:
- Khi thị trường đảo chiều tăng ngay sau đó, với cùng mức giá 6$, so với lúc không sử dụng chiến thuật DCA, bạn có lợi nhuận cao hơn (76.24>40)
- Ngược lại, nếu thị trường tiếp tục giảm, với cùng mức giá 2.5$, mức thua lỗ của bạn cũng được giảm thiểu hơn so với việc bạn không sử dụng chiến thuật DCA (84.9<100)
Sử dụng chiến thuật bình quân giá DCA khi thị trường giảm giá, sau đó đảo chiều tăng được xem là tình huống đẹp nhất mà nhà đầu tư có thể tận dụng chiến thuật này trên các thị trường tài chính.
- Tình huống 2: Sử dụng chiến thuật DCA trong thị trường tăng giá
Số vốn đầu tư 200$ ban đầu cũng được chia thành 4 đợt mua với số tiền 50$ như nhau, giả sử các bạn mua được cổ phiếu ABC với các mức giá lần lượt là 5$, 5.3$, 6$ và 6.5$. Tổng số cổ phiếu ABC mua được là 10 + 9.43 + 8.33 + 7.69 = 35.45 cổ phiếu. Mức giá trung bình mua được là 5.64$.
Vẫn kịch bản cũ, thị trường sau đó đảo chiều giảm hoặc tiếp tục tăng, nhà đầu tư sẽ thua lỗ/có lời như sau:
Thị trường tăng | Lợi nhuận | Thị trường giảm | Thua lỗ |
6.5$ | 30.425$ | 5.5$ | 5.025$ |
7$ | 48.15$ | 5$ | 22.75$ |
7.5$ | 65.875$ | 4$ | 58.2$ |
Việc áp dụng chiến thuật bình quân giá DCA trong thị trường giá tăng gây nhiều bất lợi hơn cho nhà đầu tư. Với cùng số vốn 200$, bạn sẽ mua được ít cổ phiếu hơn do mức giá trung bình cao hơn. Nếu thị trường tiếp tục tăng, bạn vẫn sẽ có lợi nhuận nhưng thấp hơn so với việc dùng 200$ để mua hết cổ phiếu ABC ở mức giá 5$. Ở mức giá 7$, nếu sử dụng DCA, bạn có lợi nhuận 65.875$, nhưng nếu không sử dụng DCA, bạn có lợi nhuận đến 80$.
Tương tự, nếu thị trường đảo chiều giảm, mức thua lỗ của bạn cũng sẽ cao hơn so với việc dùng toàn bộ 200$ để mua cổ phiếu tại mức giá 5$. Ở mức giá 4$, nếu dùng DCA, bạn thua lỗ 58.2$, nhưng bạn chỉ lỗ 40$ nếu không sử dụng chiến thuật này.
Khi thị trường có xu hướng sideway (đi ngang), tác động của chiến thuật bình quân giá DCA đến lợi nhuận/thua lỗ của nhà đầu tư sẽ gần như tương tự so với việc các bạn sử dụng toàn bộ vốn để đầu tư vào một lần duy nhất.
Qua các tình huống trên, chúng ta có thể thấy một điều rất rõ là việc xác định xu hướng vô cùng quan trọng khi sử dụng bất kỳ chiến thuật, chiến lược nào chứ không riêng gì DCA. Và để dự báo xu hướng, các bạn có thể sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật như đường trung bình MA, MACD, trendline, Bollinger Bands… và khả năng chính xác thì phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm và cách nhìn nhận thị trường của mỗi người.
Tại sao chiến thuật DCA lại không phù hợp với giao dịch forex?
Như đã giới thiệu ngay từ ban đầu, chiến thuật bình quân giá chỉ phù hợp với các thị trường tài chính mang tính kỳ vọng tăng trưởng dài hạn như chứng khoán hay tiền điện tử, còn đối với thị trường ngoại hối, DCA được xem là một chiến thuật đầy mạo hiểm và không phù hợp.
Việc chia nhỏ các khoản vốn và thực giao dịch mua/bán nhiều lần vào các thời điểm khác nhau, mặc dù có thể sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn hoặc giảm thiểu rủi ro do vận dụng được mức giá trung bình tốt hơn nhưng việc sử dụng toàn bộ vốn trong tài khoản để giao dịch forex sẽ vô cùng nguy hiểm. Bên cạnh tác động khuếch đại của đòn bẩy thì sự biến động khôn lường của thị trường forex sẽ rất dễ khiến tài khoản của bạn bị cháy một cách nhanh chóng khi sử dụng chiến thuật này.
Thay vì cố gắng áp dụng chiến thuật DCA vào trong các giao dịch forex, thì các bạn hãy thử với những kỹ thuật quản lý vốn hiệu quả hơn trên thị trường này như công thức Kelley hay quy tắc 2% của các trader chuyên nghiệp.
Một số lưu ý khi sử dụng chiến thuật bình quân giá DCA
Thứ nhất, xác định xu hướng là vô cùng quan trọng. Qua các ví dụ trên, chiến thuật DCA thật sự phát huy tính hiệu quả của nó khi được áp dụng trong thị trường giảm giá ngắn hạn nhưng với kỳ vọng rằng tài sản sẽ tăng trưởng trong dài hạn.
Thứ hai, đối với thị trường chứng khoán, nên lựa chọn các cổ phiếu bluechip, đối với thị trường tiền điện tử, nên lựa chọn các coin top, tránh các coin rác, do các cổ phiếu bluechip hay các coin top thường đạt được sự tăng trưởng trong dài hạn.
Thứ ba, đối với cả 2 loại thị trường chứng khoán hoặc tiền điện tử thì vấn đề đa dạng hóa danh mục đều luôn quan trọng. Đa dạng hóa sẽ giảm thiểu rủi ro do sự biến động mạnh của các tài sản riêng lẻ.
Cuối cùng, xây dựng nguyên tắc đầu tư và luôn tuân thủ nguyên tắc. Trong nguyên tắc giao dịch của bạn, chắc chắn phải bao gồm 2 yếu tố sau: một là lợi nhuận mục tiêu, hai là mức thua lỗ tối đa chấp nhận được của một giao dịch. Khi một trong 2 yếu tố đã được thỏa mãn, bạn cần dừng giao dịch ngay, tránh tình trạng quá tham lam hoặc tâm lý tiếc nuối muốn gỡ gạc.
Ưu và nhược điểm của chiến thuật bình quân giá DCA

Ưu điểm
Ưu điểm đầu tiên có thể dễ dàng nhận thấy nhất chính là DCA giúp giảm thiểu rủi ro hoặc gia tăng lợi nhuận nếu áp dụng đúng thời điểm (trong thị trường giảm giá ngắn hạn nhưng tăng trưởng trong dài hạn). Việc dự đoán chính xác xu hướng và xác định đúng thời điểm sử dụng DCA, chiến thuật này sẽ giúp nhà đầu tư mua được nhiều tài sản hơn, với mức giá trung bình tốt hơn, đồng nghĩa với khi thị trường tăng trưởng, lợi nhuận đạt được cao hơn, bù lại, nếu thị trường tiếp tục giảm, rủi ro cũng được giảm thiểu.
Chiến thuật DCA giúp các trader không phải đau đầu để tìm ra điểm vào lệnh “đẹp”. Hầu hết chúng ta đều mong muốn mua vào khi giá giảm hay tại các thời điểm thị trường điều chỉnh giảm. Nhưng một sự thật là khi các bạn cho rằng đó chính là mức giá đẹp thì các bạn lại đang mua vào ở đỉnh hoặc gần đỉnh. Bằng việc sử dụng chiến thuật DCA, bạn không cần phải nhọc tâm đi tìm một mức giá đẹp, mà quá trình này lại rất thường bị chi phối bởi cảm xúc, mà chỉ cần xác định đúng xu hướng trong dài hạn, xác định mức vốn đầu tư, chia số kỳ đầu tư và thực hiện theo đúng kế hoạch.
Chiến thuật DCA giúp trader không bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời trong thị trường gấu (bearish). Thông thường, khi giá bắt đầu giảm xuống, các trader trở nên lo lắng, số thì bán ra để giảm thiểu rủi ro hoặc chốt lời, số thì đứng ngoài không dám nhảy vào thị trường. Đối với các loại tài sản có tính tăng trưởng theo thời gian thì thị trường gấu là cơ hội tuyệt vời để áp dụng chiến thuật DCA.
Nhược điểm
Hạn chế lớn nhất của chiến thuật này chính là lợi nhuận thấp hơn khi mức giá bình quân đạt được quá cao. Nếu tập trung toàn bộ vốn vào một mức giá tốt, chắc chắn lợi nhuận thu được sẽ cao hơn rất nhiều so với việc áp dụng chiến thuật DCA này.
Hạn chế tiếp theo nhưng không đáng kể, chính là gia tăng chi phí giao dịch. Việc chia nhỏ số vốn để đầu tư nhiều lần sẽ khiến bạn tốn nhiều chi phí hơn, tuy nhiên, chi phí này sẽ không đáng là bao nếu các bạn vận dụng chiến thuật DCA hiệu quả.
Kết luận
Chiến thuật bình quân giá DCA mặc dù không quá cao siêu nhưng nếu áp dụng tốt sẽ mang lại hiệu quả giao dịch vô cùng lớn. Hơn nữa, cách thực hiện đơn giản cũng là yếu tố khiến cho DCA được rất nhiều trader lựa chọn, đặc biệt là các trader mới. Nếu bạn vẫn đang loay hoay tìm kiếm một chiến thuật giao dịch phù hợp thì có thể thử áp dụng DCA, biết đâu nó sẽ trở thành bí quyết lợi hại mà bạn sẽ theo đuổi trong suốt quá trình tham gia thị trường của mình.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.