Không phải tất cả những thứ lấp lánh đều là vàng, nhưng nếu không lấp lánh thì cũng chưa chắc là không quý như vàng. Ở thời điểm hiện tại, bạc đang tỏa sáng và khá hào nhoáng. Bạc không chỉ là đồ trang sức mà nó còn là thứ cần phải có trong lĩnh vực công nghiệp ngày nay. Và với vai trò như vậy, bạc có thể đứng vững bất kể nền kinh tế có mạnh hơn bao giờ hết hay có nhiều biến động hơn trước. 

Vậy, bạc có xứng đáng hơn bản chất một “huy chương á quân” của nó hay không? Và nếu có, bạn có thể đầu tư vào mặt hàng độc đáo này như thế nào?

Nguồn cung bạc đến từ đâu?

Phần lớn chúng ta sẽ hình dung ngay đến hình ảnh của một mỏ bạc. Nhưng trên thực tế, kim loại này chủ yếu là sản phẩm phụ của quá trình chiết xuất các kim loại khác như chì, kẽm, đồng và vàng. 72% nguồn cung bạc của thế giới đến từ đó. Về mặt địa lý, nguồn cung bị phân chia nhiều hơn: sản xuất chủ yếu tập trung ở châu Mỹ, với 42% bạc có nguồn gốc từ Mexico, Peru và Chile. Xa hơn nữa, Trung Quốc, Úc và Nga kết hợp lại chiếm thêm 24% sản lượng của thế giới.

Bạc dùng để làm gì?

Trong nhiều thế kỷ, bạc được sử dụng để trang trí cho các mặt hàng xa xỉ như đồ trang sức, bộ đồ ăn và đồ mỹ nghệ, thu hút các nhà sưu tập vì độ bền và tính thẩm mỹ của nó. Ngày nay, khoảng 1/4 nhu cầu về bạc đến từ các sản phẩm trang trí này. Nhưng đó không phải là tất cả, bạc cũng trở thành biểu tượng của thế giới công nghiệp trong vài năm qua vì nó có thể dẫn nhiệt và điện tốt, phản ứng với ánh sáng ở một số trạng thái hóa học nhất định và có thể kéo căng thành dây hoặc tấm mỏng mà không bị đứt. Nhờ đó mà bạc đang đóng vai trò then chốt trong nhiều lĩnh vực điện tử đang phát triển nhanh bao gồm tấm pin mặt trời, đèn LED, màn hình linh hoạt, màn hình cảm ứng, thẻ RFID, công nghệ di động và lọc nước. 

Nhu cầu sử dụng bạc toàn cầu năm 2022:

IMG_256

Bạc được so sánh với vàng như thế nào?

Trọng lượng sử dụng bạc lớn hơn vàng trong lĩnh vực công nghiệp: 46% lượng tiêu thụ bạc hàng năm dùng cho lĩnh vực này, trong khi đó vàng chỉ 6%. Thay vào đó, vàng chủ yếu được săn lùng để làm đồ trang sức, vàng thỏi vật chất cho mục đích đầu tư và dự trữ của ngân hàng trung ương. Điều đó có nghĩa rằng, trong khi giá vàng bị ảnh hưởng bởi chức danh “kim loại quý” thì giá bạc lại bị ảnh hưởng bởi cả nhu cầu của nó vì nó vừa là kim loại quý vừa là vật liệu công nghiệp. Ngoài ra, giá bạc biến động cao hơn giá vàng do thị trường bạc nhỏ hơn, nhiều giao dịch sôi động hơn và tính thanh khoản thấp hơn so với vàng.

Tuy nhiên, điểm chung là cả hai đều có xu hướng hoạt động tốt khi lãi suất trái phiếu giảm, lạm phát gia tăng, đồng đô la Mỹ suy yếu, thị trường ngày càng hỗn loạn hoặc kết hợp một số lý do khác. 

Tỷ lệ vàng/bạc là thước đo để so sánh hai kim loại. Dựa vào tỷ lệ này, chúng ta biết được cần bao nhiêu ounce bạc để mua một ounce vàng, từ đó, đánh giá giá trị tương đối của chúng và đặc biệt hơn, nó cho biết khi nào một ounce bạc có khả năng rẻ hơn hoặc đắt hơn bình thường. Trong 30 năm qua, tỷ lệ này trung bình là khoảng 67. Ngày nay, nó gần với 84 hơn, báo hiệu rằng bạc dường như bị định giá thấp so với vàng.

IMG_257

Tỷ lệ vàng/bạc hiện ở mức khoảng 84, so với mức trung bình trong 30 năm qua là khoảng 67.

Triển vọng về nguồn cung và nhu cầu bạc như thế nào ở hiện tại?

Nhu cầu về bạc đang tăng nhanh hơn rất nhiều so với nguồn cung, chủ yếu là do kim loại này đang bị các nhà sản xuất năng lượng mặt trời hút hết. Hơn nữa, hầu hết những sản phẩm mới nhất của ngành năng lượng mặt trời đều sử dụng nhiều bạc hơn các phiên bản cũ. Vì vậy, với sự thúc đẩy mạnh mẽ của các nguồn năng lượng tái tạo và ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đang mở rộng nhanh chóng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ, nhu cầu về bạc chưa bao giờ tăng cao như thế.

IMG_258

Vấn đề là, nguồn cung không theo kịp nhu cầu. Thứ nhất, hầu hết bạc là sản phẩm phụ của quá trình chiết xuất các kim loại khác. Thứ hai, vì tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp nên đã không khuyến khích các công ty khai thác phát triển các dự án bạc mới. Do đó, khả năng nguồn cung sẽ tụt hậu so với nhu cầu trong một thời gian. Chẳng hạn như năm vừa rồi, nguồn cung vẫn không thay đổi trong khi nhu cầu tăng gần 1/5. Năm nay, dự báo sản lượng sẽ tăng nhẹ 2% trong khi tiêu dùng công nghiệp – yếu tố thúc đẩy nhu cầu bạc lớn nhất – sẽ tăng gấp đôi con số đó.

Một nghiên cứu của Đại học New South Wales dự báo rằng chỉ riêng lĩnh vực năng lượng mặt trời có thể làm cạn kiệt từ 85% đến 98% trữ lượng bạc toàn cầu vào năm 2050. Trừ khi xu hướng hiện tại đi chệch hướng hoặc bằng cách nào đó, nguồn cung bạc trở nên dồi dào hơn. Bằng không, giá bạc sẽ tăng vọt.

Đầu tư vào bạc như thế nào?

Nếu bạn bạn đang chuẩn bị cho một kịch bản ngày tận thế về sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống tài chính và tiền tệ, bạn có thể muốn mua bạc vật chất. Tuy nhiên, việc lưu trữ tại gia sẽ khiến bạn sẽ phải trả phí hàng năm cho việc lưu trữ và bảo hiểm. Ngoài ra, một số đại lý tính phí bảo hiểm lớn khi mua và bán bạc, điều này có thể làm giảm lợi nhuận của bạn.

Trong khi đó, hợp đồng tương lai trên bạc có lợi thế về đòn bẩy. Nhưng đó cũng là một nhược điểm: hợp đồng tương lai bạc nhỏ nhất có giá trị 1.000 troy ounce, vì vậy giá bạc ở mức 23 đô la mỗi troy ounce có nghĩa là bạn đang xem xét đặt cược trị giá ít nhất là 23.000 đô la. Và vì hợp đồng tương lai có ngày hết hạn, bạn liên tục phải tái đầu tư vào các hợp đồng mới hơn, và do đó, thường đắt hơn giá bạc giao ngay. 

Ngược lại, quỹ ETF bạc rất dễ tiếp cận: bất kỳ ai có tài khoản môi giới đều có thể mua vào. Các quỹ ETF có thể không có lợi thế đòn bẩy của hợp đồng tương lai, nhưng họ tái tạo hiệu suất giá bạc bằng cách nắm giữ bạc vật chất hoặc đầu tư vào hợp đồng tương lai bạc. Điều đó có nghĩa là họ phải đối mặt với những vấn đề tương tự như những cách tiếp cận riêng lẻ đó, tăng chi phí lưu trữ và bảo hiểm hoặc rắc rối khi liên tục tái đầu tư tiền vào các hợp đồng mới hơn, đắt tiền hơn. Kết hợp điều đó với phí quản lý, và hiệu suất của quỹ ETF chắc chắn sẽ khác một chút so với đầu tư bạc trực tiếp. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn đầu tư bạc theo cách gián tiếp như vậy thì iShares Silver Trust (mã chứng khoán: SLV; tỷ lệ chi phí: 0,50%) là một trong những quỹ ETF bạc lớn nhất và phổ biến nhất mà bạn có thể tham khảo.

Lựa chọn cuối cùng dành cho bạn là đầu tư vào cổ phiếu của các công ty khai thác bạc. Các công ty này có chi phí cố định cao và doanh thu thay đổi, vì vậy về cơ bản họ đang “đặt cược đòn bẩy” vào giá bạc. Điều đó có nghĩa là giá cổ phiếu của họ sẽ tăng rất tốt nếu giá bạc tăng lên, tất nhiên điều ngược lại cũng đúng. Một ưu điểm khác của việc đầu tư vào cổ phiếu này chính là cổ tức. Nhưng nhược điểm là không có nhiều công ty thuần khai thác bạc, do đó, bạn có thể bị ảnh hưởng gián tiếp bởi giá của các mặt hàng khác nữa. Hơn nữa, các công ty này dễ gặp phải nhiều vấn đề đặc thù hơn bao gồm chính trị, các vấn đề về môi trường và tắc nghẽn hoạt động, tất cả đều có thể gây ra rủi ro không mong muốn cho danh mục đầu tư của bạn. Vì vậy, nếu bạn vẫn muốn lựa chọn đầu tư vào các công cụ khai thác bạc, một chiến lược đơn giản có thể là đầu tư vào một quỹ ETF – như Global X Silver Miners ETF (mã chứng khoán: SIL; tỷ lệ chi phí: 0,65%), quỹ này tập trung vào một danh mục đầu tư đa dạng bao gồm cả bạc vật chất và cổ phiếu khai thác bạc.

Bạn vừa đọc bài viết: Quên vàng đi! Bạc mới là kim loại đang tỏa sáng

Đừng quên ThíchChia sẻ bài viết này bạn nhé!

Các bài viết liên quan

XM