Ả Rập Xê Út và Nga đã cho biết vào hôm thứ Ba (5/9) rằng, họ sẽ tiếp tục gia hạn tự nguyện cắt giảm dầu đến cuối năm nay, bất chấp sự phục hồi của thị trường dầu thô và kỳ vọng của các nhà phân tích về nguồn cung thắt chặt trong quý IV.
Việc tự nguyện cắt giảm của Ả Rập Xê Út và Nga nằm trên mức cắt giảm tháng 4 đã được một số nhà sản xuất OPEC+ đồng ý, kéo dài đến cuối năm 2024.
Cụ thể, Ả Rập Xê Út sẽ gia hạn mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày thêm ba tháng nữa cho đến cuối tháng 12 năm 2023. Và, Phó Thủ tướng Alexander Novak cũng tuyên bố rằng Nga đã quyết định tiếp tục gia hạn tự nguyện giảm xuất khẩu dầu thêm 300.000 thùng/ngày đến cuối năm nay. Cả hai nước sẽ xem xét các quyết định cắt giảm hàng tháng để cân nhắc sâu hơn giữa việc cắt giảm hoặc tăng sản lượng tùy thuộc vào điều kiện thị trường.
Đồng thời, cả 2 cũng sẽ mở rộng các biện pháp hạn chế tự nguyện cho phép Điện Kremlin có thêm doanh thu trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine và bất chấp Liên minh châu Âu đang cố gắng hạn chế thu nhập của Moscow bằng mức trần đối với giá dầu của Nga. Hầu hết dầu của Nga đang giao dịch trên mức giá trần.
Giá dầu thô đã tăng mạnh sau tin này, cụ thể, giá dầu Brent tăng trên 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11, bất chấp việc xuất khẩu dầu của Iran và Venezuela tăng ổn định do thị trường tin rằng Mỹ không thực thi các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt như những năm trước.
Helima Croft, nhà phân tích của RBC Capital Markets cho biết: “Ả Rập Xê Út đã cho công chúng biết trước kết quả như vậy vào tháng trước với một tuyên bố dài hơn, sâu sắc hơn của họ, nhưng động thái ngày hôm nay vẫn khiến nhiều người tham gia thị trường bất ngờ. Và điều này một lần nữa chứng minh rằng Hoàng tử Abdulaziz, đồng thời cũng là Bộ trưởng Năng lượng của Ả Rập Xê Út, vẫn luôn đang trong chế độ kiên quyết làm bất cứ điều gì cần thiết”.
Quyết định này như một đòn giáng mới vào Tổng thống Mỹ, Joe Biden, khi nguồn cung thắt chặt đã thúc đẩy giá cả và khi ông phải đối mặt với cuộc tái tranh cử sau 14 tháng nữa.
Mỹ lập luận rằng thế giới cần giá cả thấp hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ngăn Tổng thống Nga, Vladimir Putin kiếm thêm doanh thu để tài trợ cho cuộc chiến với Ukraine.
Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng đã kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng để đảm bảo chi phí năng lượng thấp hơn và hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, trong khi các nhà sản xuất OPEC+ thì cho rằng họ đang hành động để duy trì sự ổn định của thị trường.